[VFOSSA] Làm HĐH PMNM cho Việt Nam

Nguyen Hong Quang nguyen.hong.quang at auf.org
Mon Jun 24 11:39:52 ICT 2013


Chào các bạn,

Sau lời kêu gọi của tôi tuần trước, tôi đã nhận được gần 50 comments trả 
lời trực tiếp hoặc gián tiếp vào các câu hỏi tôi đã đặt ra ở cuối. Sau 
đây là tóm tắt các trả lời tôi đã nhận được:

>
> Như vậy việc làm ra một HĐH Linux cho VN có thể tạm kết luận là việc có
> thể làm, phải làm và ngày càng trở nên cấp bách. Tuy nhiên sẽ có một
> loạt câu hỏi được đặt ra và tôi muốn mời các bạn cùng thảo luận:
>
> - Chúng ta có người có đủ kỹ năng làm ra và làm chủ một distro mới hay
> không?
Cộng đồng FOSS VN có người có đủ kỹ năng tạo lập và làm chủ một distro 
mới. Trong quá khứ đã có nhiều distros do người VN làm ra và phổ biến 
cho cộng đồng người Việt trong nước và trên thế giới. Phần lớn các 
distros này đã không duy trì được lâu, nguyên nhân chính là do đã không 
xây dựng được cộng đồng NSD, không thu hút được sự đóng góp của cộng 
đồng bao gồm NSD, DN, NN mà chỉ có sự đóng góp của một vài cá nhân hoặc 
của 1 DN, không tạo ra được sự khác biệt với các distros nổi tiếng trên 
thế giới, không có đóng góp ngược lên upstream, v.v... Tóm lại các 
distros của ta vẫn chưa tạo ra được bản sắc của mình, chưa tạo ra được 
hệ sinh thái cho phép duy trì và phát triển bền vững. Điều này vẫn luôn 
là một thách thức với những dự án HĐH VN đang tồn tại như Hacao, Asianux 
hoặc các dự án mới khởi động như TheSLinux, Gokien,...
> - distro này dùng cho CQ NN thì phải bao gồm tối thiểu các chức năng gì?
Các ứng dụng phổ biến như trên các máy trạm Windows (văn phòng, lướt 
web, email, chat/irc, đọc PDF, bộ gõ/font tiếng Việt, xem ảnh, video, 
nghe nhạc, ...). Thông tư 41/2009 của Bộ 4T đã có một danh mục khá chi 
tiết các ứng dụng PMNM dùng cho máy trạm, sắp tới sẽ được điều chỉnh và 
cập nhật, là một căn cứ và khởi đầu tốt. Nói chung các ứng dụng phổ quát 
này không đặt ra vấn đề nhiều cho PMNM.
> - các điều kiện, tiêu chuẩn (an ninh, an toàn) cho nó là gì? Phạm vi sử
> dụng có gồm cả an ninh quốc phòng được ko?
Phần mềm, gồm cả HĐH, phải "sạch" theo nghĩa tương đối. Tức là PM phải 
được lấy mã nguồn về từ các nguồn tin cậy (các kho của các cộng đồng lớn 
và có uy tín), được biên dịch lại từ gốc trước khi đóng gói và cho vào 
kho. Mỗi khi PM gốc có phiên bản mới thì qui trình lại lặp lại. HĐH dùng 
cho an ninh QP cũng có thể dùng chung kèm theo một số tinh giản cần thiết.
> - làm ra rồi nhưng có áp đặt nó được không? NSD không dùng và phá thì
> làm thế nào?
Phải có chế tài của NN bắt buộc CQ NN phải sử dụng. Tất nhiên phải có lộ 
trình phù hợp vì HTTT của NN không thể bị ngưng trệ vì lý do chuyển đổi. 
Nhiều nước đã có kinh nghiệm trong việc chuyển đổi cho chúng ta nghiên 
cứu và học tập. Phải kết hợp với và tận dụng sự hỗ trợ của cộng đồng 
bằng nhiều hình thức khác nhau. Các Bộ TTTT, GDĐT phải là những nơi đi 
đầu và tạo hình mẫu cho các Bộ, ngành khác.
> - có nguy cơ nó sẽ trở thành một rẽ nhánh đơn độc không? Mô hình phát
> triển bền vững của nó phải như thế nào?
Chúng ta đã học được nhiều bài học quí từ các thất bại của các dự án 
Linux Việt trước đây. Nhận thức của cộng đồng PMNM cũng đã được nâng lên 
trong những năm qua nên chúng ta có thể tin tưởng distro Linux VN mới sẽ 
không rơi vào "vết xe đổ". Mô hình phát triển bền vững phải là sự kết 
hợp NN-DN-CĐ, trong đó NN là NSD cuối nên cần có đầu tư ban đầu, DN thực 
hiện và cộng đồng hỗ trợ.
> - thời gian cần thiết để làm ra phiên bản đầu tiên sử dụng được cần bao
> nhiêu?
Nếu tập trung được nhân lực (core team) và có sự đầu tư thỏa đáng về 
lương bổng thì chỉ cần 3-4 tháng có thể cho ra phiên bản thử nghiệm đầu 
tiên, 6 tháng có thể có phiên bản triển khai thí điểm, 1 năm là có phiên 
bản ổn định, có thể triển khai qui mô rộng. Sau đó cứ 6 tháng lại có 
phiên bản cập nhật, nâng cấp, theo nhịp độ của các distro qui chiếu trên 
thế giới.
> - Cần bao nhiêu nhân lực (core team) ? lương bổng phải ở mức nào?
Core team bước đầu sẽ không cần đông (chỉ cần 4-5 người, mỗi người phụ 
trách một mảng PM), tuy nhiên sẽ có yêu cầu cao về kiến thức và kinh 
nghiệm làm PMNM, kiến trúc HĐH. Có thể có cơ chế hợp đồng "mượn người" 
từ các Cty để đảm bảo tính kế thừa và phù hợp lợi ích cá nhân và Cty có 
nhân lực cao cấp cho mượn. Các chuyên gia này khi tham gia dự án, ít 
nhất trong vài năm đầu, nên làm việc theo chế độ full-time với mức lương 
tối thiểu 20 M VNĐ/tháng trong bối cảnh XH hiện nay để họ có thể yên tâm 
làm việc và cống hiến.
> - mô hình dự án phải như thế nào để tiêu được kinh phí NN (cực kỳ rắc
> rối, ngoài sức tưởng tượng của những ai chưa biết đến :-) )
>
>
Với một dự án như đã phân tích ở trên, cần có sự tham gia của cả 3 bên 
để tạo nên hệ sinh thái. Chi phí cho dự án mỗi năm tính ra không phải 
quá lớn, chủ yếu là trả lương cho đội phát triển và duy trì distro, ước 
tính khoảng 1,5 B VNĐ cho lương + 0,5-1 B cho các chi phí server, 
internet, trụ sở làm việc và các chi phí công tác, thử nghiệm = 2-2,5 B 
VNĐ / năm theo thời giá 2013. Kinh phí này cần được duy trì trong khoảng 
thời gian 5 năm, đủ cho hệ sinh thái phát triển và hình thành các hoạt 
động dịch vụ đem lại lợi nhuận cho các DN. Khi đó core team sẽ có thể 
không cần tập trung làm full-time nữa mà có thể phân tán, hoạt động bán 
thời gian và do DN trả lương, theo mô hình của các dự án PMNM lớn hiện 
nay trên thế giới. Phần chi phí của NN sẽ giảm đáng kể, chỉ chủ yếu duy 
trì các server, đường truyền Internet băng thông rộng và vài admin cần 
thiết.

Nếu sử dụng cơ chế đấu thầu hiện hành thì dự án sẽ khó thành công, khả 
năng thất bại là lớn vì quyền kiểm soát dự án sẽ rơi vào tay một DN, sẽ 
không tận dụng được sự đóng góp của các cá nhân xuất sắc ở DN khác, các 
DN và cộng đồng sẽ ở trạng thái thụ động, khó hợp tác được với nhau.

Nên sử dụng cơ chế chỉ định thầu. Tổ chức hiện đang có tiếng nói đại 
diện và có thể tập hợp được cộng đồng là VFOSSA. VFOSSA có thể đứng ra 
nhận thầu với NN dưới tư cách pháp nhân của VAIP. Tuy nhiên VFOSSA sẽ 
không phải là người thực hiện dự án mà sẽ đóng vai trò tổ chức, tập hợp 
lực lương tinh nhuệ từ các Cty thành viên và cộng đồng, dưới sự kiểm 
soát của một ban điều hành có đại diện của NN. Ban điều hành làm việc 
bán thời gian, không phải core team, có thể được hưởng một phụ cấp trách 
nhiệm hàng tháng hoặc theo vụ việc, không phải lương. Cơ chế vận hành 
chi tiết cần được làm rõ và hỗ trợ bởi các chuyên viên kinh tế và tài 
chính của NN.

Xin cảm ơn sự đóng góp của tất cả các bạn. Tôi thấy đây rõ ràng là một 
dự án được sự quan tâm của rất nhiều người và là mối trăn trở chung của 
chúng ta. Tôi sẽ gửi bản tổng kết này cho Vụ CNTT, Bộ 4T để các anh ấy 
xử lý, xem đó là tiếng nói từ cộng đồng. Khi có phản hồi, tôi sẽ thông 
báo cho các bạn.

Thân ái,
Quang



More information about the Members mailing list