[VFOSSA] Fwd: [ict_vn: 7602] Nhàn đàm ICT: Libra (≋) vs. Bitcoin (₿) vs. Ethereum (Ξ)

Nguyen Hong Quang nguyen.hong.quang at ifi.edu.vn
Fri Jun 21 10:46:26 +07 2019


Chào các bạn,

Xin chuyển các bạn dưới đây một bài viết rất hay và dễ hiểu của anh Lê
Văn Lợi, thành viên VFOSSA, về một chủ đề đang rất "hot" trên media mấy
ngày qua: FB thông báo sự ra đời của một đồng tiền kỹ thuật số mới
Libra. Bài viết được anh Lợi gửi lên diễn đàn ICT_VN tối qua và tôi xin
được phép gửi lại cho các thành viên của VFOSSA.

Cũng về chủ đề thời sự này, một thành viên khác của VFOSSA, anh Mã Hoàng
Hải, có một bài viết khác giới thiệu về Libra cũng rất hay. Xin giới
thiệu để các bạn quan tâm cùng tham khảo
http://taostartup.asia/tham-khao-toan-dien-ve-libra-global-coin-cua-facebook/

Các đồng tiền kỹ thuật số (chúng ta vẫn quen gọi là "đồng tiền ảo") đình
đám trước đây (Bitcoin, Ethereum) và đồng Libra mới toanh này đều được
xây dựng trên các chuỗi khối (Blockchain) nguồn mở. Nói một cách khác
đây đều là các sản phẩm dựa trên nguồn mở. Điều đó càng làm chúng ta
thêm tin tưởng vào những giá trị mà nguồn mở có thể đem lại cho cuộc
sống của chúng ta.

Thân ái,
Nguyễn Hồng Quang

-------- Message transféré --------
Sujet : 	[ict_vn: 7602] Nhàn đàm ICT: Libra (≋) vs. Bitcoin (₿) vs.
Ethereum (Ξ)
Date : 	Thu, 20 Jun 2019 22:58:56 +0700
De : 	Le Van Loi <levanloi at itb.com.vn>
Répondre à : 	ict_vn at googlegroups.com
Pour : 	ict_vn at googlegroups.com



Dear các anh/chị

Hôm 18/06/2019, trên mạng xã hội Facebook, Mark Zuckerberg thông báo sự
ra đời của Hiệp hội Libra (Libra Association) và đồng tiền ảo Libra
(https://www.facebook.com/zuck/posts/10107693323579671). Nhiều tờ báo mô
tả đây là thông tin “địa chấn”, rất nóng (“hot”). Nhân sự kiện này, xin
gửi tới anh/chị tóm lược so sánh Libra với 2 đồng tiền ảo đi trước là
Bitcoin và Ethereum trong lúc anh/chị nhâm nhi cà phê. Đảm bảo với
anh/chị hết cà phê là hết nhàn đàm!

Trong bài viết này tôi chỉ bàn về “kỹ thuật”, còn các tác động khác của
đồng Libra thì xin không đề cập. Dù sao thì đồng Libra chưa tồn tại mà,
hãy để đến đầu năm 2020 anh/chị sẽ có dịp trải nghiệm xem nó thế nào!

Còn về mặt “công nghệ”, rất dễ nhận thấy Libra mượn ý tưởng chính từ
Bitcoin và Ethereum. Tất nhiên, trong quá trình tiến hóa, người đi sau
mượn ý tưởng của người đi trước là chuyện bình thường (bản thân Ethereum
cũng mượn ý tưởng từ Bitcoin).

1. *Libra Association*. Mọi người cứ mặc nhiên gán Facebook đưa ra tiền
ảo Libra, nhưng trên thực tế đây là Hiệp hội Libra đưa ra đấy chứ 😊.
Không tin anh/chị đọc “Sách Trắng Libra” - Libra White Paper
(https://libra.org/en-US/white-paper/) mà xem! Đáng kể nhất về các thành
viên của hiệp hội này có 2 tên tuổi mà chắc anh/chị ai cũng biết, đó là
*Mastercard* và *Visa*.
- Điểm này Libra khác hẳn Bitcoin. Libra làm rầm rộ, lôi kéo đủ các loại
đối tác. Còn Bitcoin? Chỉ một mình Satoshi Nakamoto lặng lẽ tạo ra
Bitcoin và Blockchain, rồi sau đó cũng lặng lẽ rút lui và “biến mất”.
- Libra khởi động có vẻ hơi giống cách Ethereum. Năm 2014 khi công bố ra
mắt Ethereum có một danh sách dài các thành viên sáng lập. Đến năm 2017,
Ethereum lập liên minh */Enterprise Ethereum Alliance (EEA)/* với 150
thành viên.
<Ngoài lề>

    /Chữ “Libra” đọc na ná như chữ “Libre” trong tiếng Pháp. Nghĩa của
    từ “Libre” trong tiếng Pháp là “Tự do”. Có lẽ họ hàm ý đây là đồng
    tiền “Tự do” chăng?/

</Ngoài lề>

2. *Ví tiền ảo*. Cũng trong thông báo trên, Mark Zuckerberg cho biết
Facebook sẽ cấp ví điện tử cho người dùng với tên gọi là Calibra. Libra
giống Bitcoin ở điểm là đều sử dụng công nghệ Blockchain. Blockchain lưu
“tài khoản” là cặp khóa Public – Private (mỗi tài khoản giữ một cặp chìa
khóa gồm chìa khóa bí mật: private key và chìa khóa công khai: public
key). Tất nhiên, một người dùng có thể có nhiều ví điện tử. Khái niệm
trên được đưa ra bởi Satoshi Nakamoto. Về điểm này thì Libra đồng nhất
với Bitcoin và cả Ethereum: không lưu định danh người dùng trong
blockchain, chỉ lưu “địa chỉ tài khoản” – tham khảo thêm:
https://developers.libra.org/docs/life-of-a-transaction

3. *Libra Blockchain*. Chúng ta còn nhớ là Satoshi Nakamoto tạo ra
blockchain sau mỗi 10 phút và khối sau là hàm số “băm” (hàm hashcash)
của khối trước ghép với độc số nonce. Blockchain của Libra chọn một cách
tiếp cận khác: mỗi một giao dịch sẽ tạo ra một “lá” (leaf) mới của Cây
Merkle (xem https://en.wikipedia.org/wiki/Merkle_tree: cấu trúc Cây
Merkle giống cấu trúc Cây thông thường chỉ đặc biệt ở chỗ là tất cả các
nút và lá đều là kết quả các hàm băm – hash function). Có thể nói
Satoshi Nakamoto tạo ra blockchain là một cấu trúc “*/List/*”, còn Libra
tạo ra blockchain là một cấu trúc “*/Tree/*”. Cách tiếp cận này Libra
giống Ethereum, cải tiến hơn “một tẹo” so với Bitcoin. (Nói thêm: Độ
phức tạp tính toán của cấu trúc “/*List*/” là O(N), trong khi độ phức
tạp tính toán của cấu trúc “*/Tree/*” là O(log(N)) – trong đó N là số
block.)

4. *Libra Node (Validator)*. Trong Bitcoin của Satoshi Nakamoto, sổ cái
(Ledger) được lưu giống hệt nhau ở hàng chục ngàn nút (Node). Mỗi một
giao dịch mới sẽ được “đại đa số” các nút cùng xác nhận. (Nói thêm: “Đại
đa số”, theo hệ thống Byzantine Fault Tolerance, là đạt được trên 2/3
tổng số nút.) Các nút ở trong Bitcoin hoàn toàn được tạo ra một cách tự
do, miễn là phải có Proof-of-Work. Libra phân biệt hai loại nút (Node -
còn được gọi là Validator): loại Permissioned (đã được cấp phép) và loại
Permissionless (không được cấp phép). Hiện tại chỉ có loại nút đã được
cấp phép mới có quyền xác nhận giao dịch. Mỗi một nút được cấp phép là
“cơ sở dữ liệu phân tán” do một thành viên của hiệp hội Libra vận hành!
Trong tương lai, Libra sẽ chuyển dần sang nút Permissionless. Nhưng đó
là tương lai. Đây là điểm còn “kém” của Libra so với hệ thống Bitcoin
của Satoshi Nakamoto: tất cả ngay từ đầu là Permissionless! Cách tiếp
cận này Libra giống Ethereum, khác “một tẹo” so với Bitcoin.

5. *Đúc (hủy) tiền ảo*. Chúng ta biết rằng cả hai hệ thống Bitcoin và
Ethereum, người dùng phải “đào mỏ” (mining) mới “khai quật” được tiền
ảo. Libra thì sao? Người dùng muốn có tiền phải đổi tiền “thật” sang
đồng Libra. Libra có cả Ngân hàng Trung ương Libra (Libra Reserve) nữa
anh/chị ạ! Đổi tiền “thật” với tiền ảo “Libra” giống như đổi tiền lúc đi
du lịch nước ngoài vậy (chắc trong tương lai phải có quầy phục vụ đổi
tiền Libra chứ nhỉ 😊). Khi đổi tiền “thật” sang đồng Libra thì Libra
Reserve sẽ nhập một lượng tiền tương đương vào khối tài sản của mình và
ghi vào ví điện tử của người dùng đúng bằng lượng tiền Libra Reserve vừa
nhập vào. Quá trình này gọi là đúc tiền (minted). Ngược lại, khi người
dùng đổi tiền Libra ra tiền “thật” thì một lượng Libra tương đương sẽ bị
hủy (burned).
- Hiện nay các thành viên của Hiệp hội Libra đóng góp một khoản tương
đương 10 triệu đô la Mỹ. Sau khi đóng góp mỗi thành viên nhận được Libra
Investment Token (một dạng chứng nhận đầu tư vào Libra). Đây là điểm
khác biệt rõ nhất của Libra so với Bitcoin và Ethereum.

6. *Proof-of-Work* vs. *Proof-of-Stake*. Để bảo vệ blockchain, chống lại
việc kẻ gian có thể tấn công, Satoshi Nakamoto đã tạo ra một khái niệm
có tên gọi là Proof-of-Work: Để tạo ra khối tiếp theo, người "đào mỏ"
phải tạo ra một kết quả “băm” (hàm hashcash tác động lên khối ngay đằng
trước và độc số nonce) và phải nhỏ hơn một ngưỡng quy định. Vì hàm số
băm không có hàm giải ngược nên người “đào mỏ” chỉ mỗi một cách là biến
đổi dần số nonce và kiểm tra từng kết quả. Việc này đòi hỏi rất nhiều
tính toán. Đây là điểm bị chỉ trích của Bitcoin: lãng phí về lượng tính
toán (hàng chục nghìn hệ thống cùng làm một việc giống nhau và độc lập
với nhau) và không có cơ chế hợp tác của những người “đào mỏ”.
- Hệ thống Ethereum lúc đầu cũng cùng nguyên tắc với Bitcoin (nghĩa là
sử dụng Proof-of-Work). Nhưng Ethereum sẽ chuyển sang một khái niệm mới
có tên gọi là Proof-of-Stake. Trong hệ thống Proof-of-Stake, người “đào
mỏ” sẽ được thay bằng “Validator” (người xác nhận). Trong hệ thống này
người xác nhận không cần giải bài “đánh đố” hàm hashcash, nhưng phải đặt
cược một lượng tiền ảo (Ether). Nếu có hành vi gian lận thì lượng tiền
này sẽ bị mất. Tiền thưởng cho Validator là phí giao dịch. Người chuyển
tiền phải trả phí giao dịch (cái này giống ngân hàng 😊). Phí giao dịch
và lưu trữ trong Ethereum được gọi là Gas Price (Gas là khái niệm ảo,
không có thật trong đời thường).
- Hệ thống Libra sử dụng Proof-of-Stake và nhiều khái niệm của hệ thống
Ethereum. Chú ý rằng Proof-of-Stake kém an toàn hơn Proof-of-Work, dễ bị
tấn công. Và đã gọi là có “người xác nhận” thì hệ thống này chưa thực sự
“phân tán” theo đúng nghĩa của nó.

7. *Lập trình trên Blockchain*. Để thực hiện các giao dịch trên
blockchain, mỗi một hệ thống có “ngôn ngữ lập trình” riêng.  
- Bitcoin sử dụng ngôn ngữ kịch bản */Bitcoin Script/*. Công việc chính
của lập trình trên blockchain của Bitcoin là xử lý giao dịch: chuyển
Bitcoin từ A đến B.
- Ethereum sử dụng */Ethereum Virtual Machine bytecode (EVM)/*. Hệ thống
Ethereum đã mở rộng tính năng của blockchain, không đơn thuần chỉ dùng
trong thanh toán. Hệ thống Ethereum đưa */Smart Contract/* vào để lập
trình trên blockchain. Ngôn ngữ EVM có nhiều tính năng hơn Bitcoin
Script: có thể tạo cấu trúc dữ liệu, có vòng lặp, có định nghĩa các thủ
tục (user-defined procedure) và gọi hàm. Tuy nhiên, tính “mở” của EVM
lại vô tình có thể tạo ra nhiều lỗi lập trình, thiếu tính tự kiểm duyệt
logic giữa đầu vào và đầu ra như của Bitcoin Script.
- Libra sử dụng ngôn ngữ lập trình trên blockchain có tên là */Move/*:
first-class assets, flexibility, safety, and verifiability. Lập trình
trên Libra tương tự như trên Ethereum: xử lý giao dịch và */Smart
Contract/*. Trong ngôn ngữ Move, */Smart Contract /*được đặt tên là
*/Module/*.

Nói gọn lại, Libra có vẻ như tích hợp các ưu điểm của Bitcoin và
Ethereum, nhưng kém “ảo” hơn, chưa thoát ra khỏi hoàn toàn … a middleman.

Tôi tin là anh/chị đã hoàn tất tách cà phê của mình :-)

Anh/chị nào không quan tâm xin vui lòng bỏ qua.

Trân trọng
Levanloi
-- 
# ICT_VN at googlegroups.com là mailing-list (ML) gồm các nhà nghiên cứu,
giảng dạy, triển khai và quản lý CNTT-TT từ các trường, viện, doanh
nghiệp và cơ quan/tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ. ICT_VN ML từ
23/12/2003.
# Đề nghị chỉ gửi những trao đổi hữu ích chung cho cộng đồng ICT.
# Website: ictday.vn; FB:fb.com/groups/diendanictvn; FP:
fb.com/fanpage.ictvn
# MỚI:
ictday.vn/su-kien/danh-sach-cac-su-kien-cong-nghe-thong-tin-2018-2019-18.html
# Liên hệ với quản trị ML: ICT-VN at googlegroups.com
---
Bạn nhận được thư này vì bạn đã đăng ký vào nhóm Google Groups "ICT_VN".
Để hủy đăng ký khỏi nhóm này và ngừng nhận email từ nhóm, hãy gửi email
đến ict_vn+unsubscribe at googlegroups.com
<mailto:ict_vn+unsubscribe at googlegroups.com>.
Để đăng lên nhóm này, hãy gửi email đến ict_vn at googlegroups.com
<mailto:ict_vn at googlegroups.com>.
Để xem cuộc thảo luận này trên web, hãy truy cập
https://groups.google.com/d/msgid/ict_vn/CALZkdKOrYV6C0R2w0pk04RfXiX-Crqy-CnPi7JN8Rb_-_RS1Bg%40mail.gmail.com
<https://groups.google.com/d/msgid/ict_vn/CALZkdKOrYV6C0R2w0pk04RfXiX-Crqy-CnPi7JN8Rb_-_RS1Bg%40mail.gmail.com?utm_medium=email&utm_source=footer>.
Để có thêm tùy chọn, hãy truy cập https://groups.google.com/d/optout.
-------------- next part --------------
An HTML attachment was scrubbed...
URL: <http://lists.vfossa.vn/pipermail/members/attachments/20190621/7daa5db5/attachment-0001.html>


More information about the Members mailing list